Những điểm nhấn đáng chú ý nhất của Luật An ninh mạng

Đăng vào 14/06/2018 09:58

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua sáng 12/6 là bộ luật thu hút được sự chú ý đặc biệt của đông đảo nhân dân.

Những điểm nhấn đáng chú ý nhất của Luật An ninh mạng

Những điểm nhấn đáng chú ý của Luật An ninh mạng

Luật An ninh mạng bao gồm 7 chương, 43 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Luật này điều chỉnh "hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan".

VietNamFinance xin tóm tắt lại những điểm đáng lưu ý của Luật An ninh mạng.

 

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua sáng 12/6 với 86,86% đại biểu tán thành

Luật An ninh mạng tác động đến các doanh nghiệp internet như thế nào?

Khoản 7 Điều 15 quy định cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng.

Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định các công ty internet trong và ngoài nước phải đặt trụ sở, văn phòng tại Việt Nam; lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam; cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có yêu cầu; xóa, ngăn chặn thông tin cấm trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Luật An ninh mạng quy định các công ty internet trong và ngoài nước phải đặt trụ sở, văn phòng tại Việt Nam; lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam

An ninh mạng được bảo vệ trên nguyên tắc nào?

Khoản 2 Điều 4 Luật An ninh mạng quy định nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, phát huy vai trò chuyên trách của lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Lực lượng bảo vệ an ninh mạng gồm những cơ quan nào?

Lực lượng bảo vệ an ninh mạng gồm: Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.                          

Những hành vi nào bị cấm khi sử dụng mạng internet?

Khoản 1 Điều 8 quy định những hành vi bị cấm bao gồm: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc. Các hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng bị cấm khi sử dụng internet.

Khoản 1 Điều 15 nghiêm cấm người dùng internet thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ bang chính quyền nhân dân; thông tin gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược; chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; thông tin xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân.

Khoản 3 Điều 15 quy định người sử dụng internet không được đưa các thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ khác. Người dùng internet không được đưa thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp.

Cũng tại Khoản 3 Điều 15 của Luật An ninh mạng, nghiêm cấm các thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lơi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó.

Khoản 1 Điều 17 của Luật An ninh mạng cấm kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, trò chơi cho nhận, quy đổi, đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng. Nghiêm cấm tổ chức đánh bạc qua mạng internet.

Các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự...

Nguồn http://vietnamfinance.vn